Các bài tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật
Trường THCS Dương Nội
2023-01-30T08:46:40+07:00
2023-01-30T08:46:40+07:00
https://c2duongnoi.edu.vn/siteterms/Cac-bai-tuyen-truyen-pho-bien-giao-duc-phap-luat.html
/themes/edu02/images/no_image.gif
Trường THCS Dương Nội
https://c2duongnoi.edu.vn/uploads/c2duongnoi/1.jpg
UBND QUẬN HÀ ĐÔNG
TRƯỜNG THCS DƯƠNG NỘI |
CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH MĂNG NON
Tuần 1- 3 |
BÀI TUYÊN TRUYỀN
Bài tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh THCS
Thời gian phát bản tin: Giờ ra chơi tiết 2 ngày thứ 3,5, 7
Người viết bài: Nguyễn Thị Kim – TPT Đội
Người thực hiện: Liên Đội nhà trường
I. Thực trạng về vấn đề ATGT
An toàn giao thông (ATGT) hiện nay là một trong những vấn đề được xã hội quan tâm sâu sắc. Đó là vì tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên thế giới đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng với việc gia tăng các ca tử vong và thương tích do mất an toàn giao thông. Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển của kinh tế, mức sống của người dân được nâng cao đã thúc đẩy số lượng phương tiện cơ giới đường bộ, đặc biệt là mô tô, xe gắn máy gia tăng một cách nhanh chóng. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong những năm qua đã phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của mọi người chưa nghiêm, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn của địa phương còn xảy ra nhiều, mà nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông là do ý thức chấp hành luật Giao thông đường bộ của mọi người còn hạn chế. Các em học sinh có thể là nạn nhân hoặc bản thân các em gây tai nạn cho người khác.Vì vậy, “ Tai nạn giao thông đã trở thành mối hiểm họa của mọi người”. Từ đó dẫn đến gia tăng những vấn đề giao thông phức tạp như TNGT và ùn tắc giao thông, Mặt khác, mức độ hiểu biết và ý thức chấp hành các yêu cầu về ATGT của người tham gia giao thông và của cộng đồng còn thấp. Công tác quản lý về ATGT tuy đã được cải thiện rõ rệt nhưng vẫn còn những bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu.
Tại Việt Nam, trung bình hàng ngày ước tính có 30 -35 người chết do tai nạn giao thông chủ yếu là tai nạn giao thông đường bộ. Đây là vấn đề đã và đang gây bức xúc cho toàn xã hội.
II. Ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của việc giáo dục ATGT trong trường THCS.
Từ thực trạng trên cho thấy An toàn giao thông hiện nay đang là một vấn đề đang được toàn cầu quan tâm, mỗi quốc gia đều có một chương trình hành động cụ thể, có thể thấy thiệt hại về an toàn giao thông do mô tô, xe máy luôn chiếm tỷ lệ cao. Đối với trường học thì việc được học an toàn giao thông đã được phổ biến nhưng việc thực hiện thì chưa được cao. Tai nạn do giao thông gây ra là rất lớn, làm thiệt hại đến tiền, của của gia đình, xã hội gây cho con người cuộc sống khó khăn, vất vả cơ cực. Đứng trước tình hình nghiêm trọng và đang vượt ngoài tầm kiểm soát như hiện nay. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn cả nước.
Và chúng tôi mong rằng qua buổi tuyên truyền ngày hôm nay, cùng với sự tuyên truyền của các em HS tới PHHS sau buổi ngoại khoá này sự hiểu biết và ý thức văn hóa giao thông của các bậc PHHS sẽ được nâng lên rất nhiều, và tai nạn giao thông giảm rõ rệt.
III. Các chủ đề tuyên truyền về an toàn giao thông
1 Chủ đề 1: Đi bộ an toàn
* Những điều cần biết khi đi bộ trên đường - đi bộ an toàn
- Tuân thủ quy tắc giao thông đường bộ: Đi trên hè phố, đi sát mép đường về phía tay phải, đi đúng phần đường, làn đường dành cho người đi bộ
- Nắm vững cách qua đường an toàn ở nơi không có điều kiện an toàn (không có vạch kẻ đường, không có đèn tín hiệu, nơi có đoạn đường bộ giao nhau với đường sắt ...)
- Nhận thức được những hành vi đi bộ qua đường không an toàn (vượt qua dải phân cách, đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy, qua đường ở gần phía trước hoặc sau xe ô tô đang đỗ)
- Nguyên tắc đi bộ an toàn vào ban đêm (tuân thủ các quy tắc giao thông đường bộ đối với người đi bộ nêu tại Điều 32 Luật Giao thông đường bộ năm 2008; nên mặc đồ phản quang hoặc trang phục sáng màu)
- Đi bộ qua đường an toàn
* Cách phòng tránh:
- Dừng lại bên đường, quan sát hai bên đường, lắng nghe tiếng động cơ ô tô, xe máy cẩn thận.
- Giơ tay ra hiệu xin qua đường và chọn thời điểm thích hợp ( có ít xe qua lại), nhìn bên trái tránh phương tiện cơ giới từ chiều bên trái tới, đi thẳng, đến giữa đường quay sang nhìn bên phải tránh phương tiện cơ giới từ bên phải tới.
- Không được qua đường nơi tầm nhìn bị che khuất.
- Không được qua đường ở gần phía trước và phía sau ô tô đang đỗ
Chủ đề 2: Đi xe đạp an toàn
* Những điều cần biết khi đi xe đạp trên đường - đi xe đạp an toàn
- Tuân thủ các quy tắc giao thông đường bộ đối với người đi xe đạp
- Nhận thức được những hành vi đi xe đạp không an toàn.
- Nắm rõ các nguyên lí và kĩ năng đi xe an toàn: Kiểm tra xe trước khi đi: độ cao, phanh, chuông...
- Điều khiển xe: trên làn đường bên phải trong cùng, tuân thủ chỉ dẫn của đèn tín hiệu và người điều khiển giao thông, quan sát trước khi di chuyển hướng.
- Nguyên tắc đi xe đạp an toàn vào ban đêm (xe phải có đèn hậu, mặc đồ phản quang hoặc trang phục màu sáng). Lưu ý: Trẻ dưới 16 tuổi không được điều khiển xe đạp máy, xe máy
3 Chủ đề 3: Đi xe đạp điện, xe máy điện, xe gắn máy an toàn.
- Tuân thủ các quy tắc giao thông đường bộ.
- Nắm rõ những điều cấm khi đi xe mô tô, xe gắn máy
- Cách chọn mũ bảo hiểm: Phải chọn mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn: mũ phải có tem kiểm định, lớp xốp cứng, dây đeo và khóa chắc chắn...
- Cách đội mũ bảo hiểm đúng qui cách
- Giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước
- Chuyển hướng an toàn tại giao lộ
- Vượt xe an toàn
- An toàn đối với người ngồi sau xe mô tô, xe gắn máy (Khi lên xe phải quan sát phía sau và trèo lên xe từ phía tay trái; Ngồi ngay ngắn trên xe phía sau người lái, hai tay bám chặt người ngồi phía trước; Không vung vẩy chân tay, không nghiêng ngả hoặc đứng trên yên xe máy, không ngồi phía trước người lái; Ngồi sau xe máy phải đội mũ bảo hiểm và nên đi giày, dép có cài khóa.)
- Các nguyên tắc lái xe ô tô, xe gắn máy vào ban đêm.
4 Chủ đề 4: Đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện.
- Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.
- Trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện phải đội mũ bảo hiểm.
5 Chủ đề 5: Một số cam kết ATGT cho học sinh.
- Không điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ khi chưa đủ tuổi.
- Không điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ khi chưa có giấy phép lái xe.
- Không phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách, đánh võng.
- Không rẽ bất ngờ.
- Không chở quá 2 người trên xe.
- Không tham gia đua xe, cổ vũ đua xe trái phép.
- Không uống rượu bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
- Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện.
- Lựa chọn tuyến xe buýt công cộng phù hợp để đi lại an toàn./.
XÁC NHẬN CỦA BAN GIÁM HIỆU Người viết bài
UBND QUẬN HÀ ĐÔNG
TRƯỜNG THCS DƯƠNG NỘI |
CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH MĂNG NON
Tuần 4- 6 |
BÀI TUYÊN TRUYỀN
Nguyên nhân và cách phòng chống tại nạn thương tích
Thời gian phát bản tin: Giờ ra chơi tiết 2 ngày thứ 3,5, 7
Người viết bài: Nguyễn Trung Dư – NV Y tế
Người thực hiện: Liên Đội nhà trường
Trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích là trường học mà các yếu tố nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho học sinh được phòng, chống và giảm thiểu tối đa hoặc loại bỏ. Toàn bộ học sinh của trường được sống và học tập trong một môi trường an toàn. Quá trình xây dựng trường học an toàn phải có sự tham gia của tất cả học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể của địa phương.
Như chúng ta đã biết Tai nạn thương tích (TNTT) là một tai nạn bất ngờ xảy ra, không có nguyên nhân rõ ràng và khó lường trước được và gây ra những thương tổn thực thể trên cơ thể người và có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi nhất là ở lứa tuổi học sinh.Vì ở lứa tuổi THCS thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức,kỹ năng phong, tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích. Vì vậy để hạn chế TNTT chúng ta cùng tìm hiểu về TNTT và các biện pháp phòng tránh.
I. PHÂN LOẠI TNTT THEO NGUYÊN NHÂN:
- TNTT do giao thông: là những trường hợp xảy ra do sự va chạm, năm ngoài ý muốn chủ quan của con người, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan người tham gia giao thông gây nên….
- Bỏng: Là tổn thương một hoặc nhiều lớp tế bào da khi tiếp xúc với chất lỏng nóng, lửa, các TNTT da do các tia cực tím, phóng xạ, điện, chất hóa học
- Điện giật: Là những trường hợp TNTT do tiếp xúc với điện gây nên hậu quả bị thương hay tử vong.
- Ngã: Là TNTT do ngã, rơi từ trên cao xuống.
- Ngộ độc: Là những trường hợp do hít vào, ăn vào, tiêm vào cơ thể các loại độc tố dẫn đến tử vong hoặc ngộ độc cần có chăm sóc của y tế (do thuốc, do hóa chất).
- Máy móc: là tai nạn do tiếp xúc với vận hành của máy móc…
- Bạo lực: là hành động dùng vũ lực hăm dọa, hoặc đánh người của nhóm người, cộng đồng khác gây tai nạn thương tích có thể tử vong, tổn thương…
II. MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH TNTT:
Để phòng tránh tối thiểu các tai nạn thương tích xảy ra tại trường, chúng ta phải có ý thức và thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa
1. Phòng ngã
Trong giai đoạn trường học đang xây dựng, cần :
+ Tránh chạy nhảy, đùa nghịch ở khu vực sân trường kém bằng phẳng.
+ Không chơi gần những lớp học không an toàn như những lan can mới xây
+ Không leo trèo lên cây.
+ Tránh xa những khu vực đang thi công.
2. Phòng ngừa đánh nhau, bạo lực trong trường học
+ Không cho các em mang đến trường các vật sắc nhọn nguy hiểm như dao, súng cao su và các hung khí.
+ Xây dựng lớp tự quản, đoàn kết.
3. Phòng ngừa tai nạn giao thông
+ Học sinh thực hiện luật an toàn giao thông: đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau xe máy, khi đi xe đạp điện.
+ Chấp hành đúng các biển báo giao thông.
+ Không dàn hàng 3 khi tham gia giao thông
4. Phòng ngừa bỏng, nhiễm độc, điện giật:
+ Thực hiện nghiêm túc nội quy hướng dẫn sử dụng an toàn hóa chất, an toàn điện ở phòng học, phòng thí nghiệm và các phòng chức năng khác.
5. Phòng ngừa ngộ độc thức ăn
+ Không ăn quà bánh không rõ nguồn gốc trước cổng trường.
Chúng ta hãy cùng nhau thực hiện tốt mọi nội qui trong và ngoài nhà trường vì một trường học an toàn.
Xin chân thành cảm ơn!
XÁC NHẬN CỦA BAN GIÁM HIỆU Người viết bài
UBND QUẬN HÀ ĐÔNG
TRƯỜNG THCS DƯƠNG NỘI |
CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH MĂNG NON
Tuần 7- 9 |
BÀI TUYÊN TRUYỀN
Bài tuyên truyền an toàn thực phẩm trường THCS
Người viết bài: Nguyễn Trung Dư – Nhân viên Y tế
Người thực hiện: Liên Đội nhà trường
Thời gian phát bản tin: Giờ ra chơi tiết 2 ngày thứ 3,5, 7
Kính thưa: Quý thầy cô cùng các em học sinh thân mến!
Tiếp tục thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm, hôm nay bộ phận y tế nhà trường sẽ tuyên truyền tới quý thầy cô và các em học sinh về việc thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM LÀ GÌ?
Thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cơ thể, đảm bảo sức khỏe con người, đồng thời cũng là nguồn có thể gây bệnh nếu không đảm bảo vệ sinh.
Vệ sinh an toàn thực phẩm là tất cả điều kiện, biện pháp cần thiết từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, vận chuyển cũng như sử dụng nhằm bảo đảm cho thực phẩm sạch sẽ, an toàn, không gây hại cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là việc bảo vệ sức khỏe cho chính chúng ta.
TÌNH HÌNH VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM HIỆN NAY
Trong những năm gần đây, các loại thực phẩm sản xuất, chế biến trong nước và nước ngoài nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều. Việc sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất trở nên phổ biến. Các loại phẩm màu, đường hóa học đang bị lạm dụng trong pha chế nước giải khác, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn sẵn như thịt quay, giò chả, ô mai… Tình hình sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không đảm bảo chất lượng đang diễn ra hàng ngày. Các loại thực phẩm tươi sống như thịt… bày bán trên thị trường không qua kiểm duyệt thú y, các loại thực phẩm như rau, củ, quả… dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá cao…
III. NGUYÊN NHÂN GÂY Ô NHIỄM THỰC PHẨM
– Do quá trình chăn nuôi, gieo trồng, sản xuất thực phẩm, lương thực:
+ Đó là việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng, các loại kháng sinh, thuốc bảo quản không đúng quy trình, không đảm bảo vệ sinh.
– Do quá trình chế biến không đúng:
+ Quá trình giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm, quá trình thu hái lương thực, rau, quả, thực phẩm chế biến không đúng quy trình, không đảm bảo vệ sinh.
+ Dùng chất phụ gia không đúng quy định của Bộ Y tế để chế biến thực phẩm.
+ Dùng chung dao thớt hoặc để thực phẩm sống với thực phẩm chín.
+ Người chế biến thực phẩm đang bị bệnh truyền nhiễm hoặc dụng cụ ăn uống nhiễm bẩn.
+ Rửa thực phẩm, dụng cụ ăn uống bằng nước nhiễm bẩn.
+ Nấu thực phẩm chưa chín hoặc không đun lại trước khi ăn.
– Do quá trình sử dụng và bảo quản không đúng:
+ Sử dụng dụng cụ bị nhiễm chất chì để chứa đựng thực phẩm như thức ăn đóng hộp hay thực phẩm được nuôi trồng từ những vùng đất nước ô nhiễm kim loại nặng.
+ Để thức ăn qua đêm hoặc bày bán cả ngày ở nhiệt độ thường; thức ăn không được đậy kỹ, để bụi bẩn, các loại côn trùng gặm nhấm, ruồi và các động vật khác tiếp xúc gây ô nhiễm.
HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
– Chọn thực phẩm tươi sạch
+ Kiểm tra thực phẩm trước khi mua, không sử dụng thực phẩm đã bị mốc, ôi thiu, hết hạn sử dụng hay không rõ nguồn gốc xuất xứ.
– Giữ vệ sinh nơi ăn uống và chế biến thực phẩm sạch sẽ
+ Nơi ăn uống phải cao ráo, thoáng mát
+ Thực phẩm, dụng cụ trước khi chế biến phải được rửa, xử lí sạch sẽ
– Sử dụng đồ dùng nấu nướng và ăn uống sạch sẽ
+ Không để dụng cụ bẩn qua đêm.
+ Dụng cụ tiếp xúc với thức ăn chín và sống phải để riêng biệt.
– Chuẩn bị thực phẩm sạch sẽ và nấu chín kỹ.
– Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín và đun kỹ lại trước khi ăn
+ Đậy kỹ thức ăn tránh ruồi, côn trùng xâm nhập.
+ Không để lẫn thực phẩm sống với thức ăn chín.
+ Không dùng tay để bốc thức ăn chín hay đá để pha nước uống.
+ Đun lại thức ăn ở nhiệt độ sôi đồng đều ngay trước khi ăn.
+ Không nên ăn các thức ăn sống như gỏi cá, thịt bò tái, gỏi …
– Giữ vệ sinh cá nhân tốt
+ Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với thực phẩm tươi sống.
+ Giữ móng tay ngắn và sạch sẽ.
– Sử dụng nước sạch trong ăn uống
+ Dùng nước đã đun sôi để uống hoặc chế nước giải khát, làm kem, đá.
– Sử dụng vật liệu bao gói thực phẩm sạch sẽ, thích hợp và đạt tiêu chuẩn vệ sinh
+ Không sử dụng sách, báo cũ, bao ni lông màu để gói thức ăn chín.
+ Đồ bao gói phải đảm bảo sạch, không thấm chất độc vào thực phẩm.
– Thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ
+ Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, gián, chuột … và hướng dẫn vệ sinh phòng chống các dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành Y tế.
* Ðể đề phòng các hậu quả xấu của việc ngộ độc thực phẩm, mỗi học sinh chúng ta cần thực hiện các yêu cầu sau đây về vệ sinh an toàn thực phẩm:
– Dùng nước sạch, an toàn để làm đồ uống, chế biến thức ăn và rửa dụng cụ. Ăn uống phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.
– Thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn những thức ăn bị ôi thiu và hết hạn, không ăn những thức ăn không rõ nguồn gốc sản xuất
– Giữ gìn vệ sinh cá nhân: rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Cắt ngắn móng tay, không dùng tay để bốc và chia thức ăn.
– Giữ gìn về sinh môi trường, vệ sinh lớp học…
– Có chế độ ăn uống, học tập, nghĩ ngơi hợp lý.
Trên đây là bài tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm, rất mong các em học sinh thực hiện tốt để đảm bảo sức khoẻ cho chính mình.
Cảm ơn quý thầy cô và các em đã lắng nghe./.
XÁC NHẬN CỦA BAN GIÁM HIỆU Người viết bài
UBND QUẬN HÀ ĐÔNG
TRƯỜNG THCS DƯƠNG NỘI |
CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH MĂNG NON
Tuần 10 - 11 |
BÀI TUYÊN TRUYỀN
Nguồn gốc, nội dung và ý nghĩa của ngày Pháp luật Việt Nam.
Người viết bài: Nguyễn Thị Kim – TPT Đội
Người thực hiện: Liên Đội nhà trường
Thời gian phát bản tin: Giờ ra chơi tiết 2 ngày thứ 3,5, 7
Hưởng ứng ngày pháp luật Việt Nam 09/11, Trường THCS Dương Nội giới thiệu tuyên truyền về nguồn gốc, nội dung và ý nghĩa của ngày Pháp luật Việt Nam.
1. Nguồn gốc ra đời của Ngày Pháp luật
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc sử dụng công cụ pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Ngày 09 tháng 11 năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành và đánh dấu mốc son trong lịch sử lập pháp của Việt Nam. Hiến pháp 1946 đã thấm nhuần, thể hiện triệt để tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Xuất phát từ tư tưởng của Người nên các bản Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 thì những tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta.
Trên thế giới hiện có nhiều nước tổ chức Ngày Pháp luật hay Ngày Hiến pháp như một ngày hội để “thượng tôn pháp luật”, tôn vinh Hiến pháp - đạo luật gốc của mỗi quốc gia. Hiện nay có hơn 40 quốc gia lấy ngày ký, ban hành hoặc thông qua Hiến pháp để hằng năm tổ chức kỷ niệm “Ngày Hiến pháp” của đất nước mình. Trước khi Ngày Pháp luật được cụ thể hóa trong luật, các hoạt động của Ngày Pháp luật đã được Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ triển khai từ ngày 04 tháng 10 năm 2010, thông qua Công văn số 3535/HĐPH của Hội đồng gửi Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương. Thực hiện Ngày Pháp luật cũng chính là cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Tính đến ngày 31 tháng 5 tháng 2012, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 06 bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện mô hình này và qua đánh giá bước đầu cho thấy, việc thực hiện Ngày Pháp luật ở các địa phương, cơ quan đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Chính vì vậy, theo đề xuất của Chính phủ, ngày 09/11 - Ngày ban hành Hiến pháp 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngày Pháp luật); đã được chính thức luật hóa trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012. Tại Điều 8 của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 quy định: “Ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
Như vậy, sau quy định của Hiến pháp về ngày Quốc khánh, chúng ta có một đạo luật quy định về một sự kiện chính trị, pháp lý được tổ chức hằng năm - Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ngày 9/11 hằng năm.
2. Mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật
Theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Ngày Pháp luật được tổ chức để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đồng thời tăng cường nhận thức cho mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Thông qua Ngày Pháp luật giúp cho mọi tổ chức, cá nhân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật; là cơ hội để tổ chức nhiều hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho cộng đồng thông qua những cách thức khác nhau. Những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội; hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp.
Ngày Pháp luật khơi dậy trong mọi cá nhân ý thức về trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình khi tham gia vào các sinh hoạt của đời sống chính trị và đời sống xã hội. Do vậy, Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật.
Cảm ơn quý thầy cô và các bạn đã lắng nghe./.
XÁC NHẬN CỦA BAN GIÁM HIỆU Người viết bài
UBND QUẬN HÀ ĐÔNG
TRƯỜNG THCS DƯƠNG NỘI |
CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH MĂNG NON
Tuần 12 - 13 |
BÀI TUYÊN TRUYỀN
“Luật an ninh mạng và văn hóa ứng xử trên không gian mạng”.
Người viết bài: Nguyễn Thị Kim – TPT Đội
Người thực hiện: Liên Đội nhà trường
Thời gian phát bản tin: Giờ ra chơi tiết 2 ngày thứ 3,5, 7
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội của người dân, nhất là học sinh sinh viên phổ biến trong mọi hoạt động đời sống, học tập, làm việc. Thời gian qua, một số đối tượng lợi dụng trang mạng xã hội để thông tin sai lệch, xuyên tạc, hoặc có ứng xử thiếu văn hóa. Hiểu được thực trạng đó, ngày 10/10/2022 trường THCS Phú Lương đã mời đồng chí là đại diện đội an ninh mạng công an quận Hà Đông về tuyên truyền “Luật an ninh mạng và văn hóa ứng xử trên không gian mạng”.
Trong buổi tuyên truyền đó, đồng chí đã chỉ ra ý nghĩa của mạng xã hội và mặt trái của nó, chính vì vậy nhà nước ta đã ban hành Luật An ninh mạng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV (kỳ họp thứ 5) thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2018 và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019. Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 Điều. Quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Người dùng mạng xã hội nhất là học sinh, sinh viên cần xây dựng riêng cho mình văn hóa ứng xử trên mạng xã hội và tập trung vào những nội dung sau:
- Chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý mạng Internet; nhất là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến các đối tượng thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Tuyệt đối không được lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
- Xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (MXH) cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng MXH. Xây dựng môi trường MXH lành mạnh, an toàn, tích cực; mọi người tham gia sử dụng mạng phải có trách nhiệm, tôn trọng nhau, có thái độ ứng xử văn hóa, đúng chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
- Nâng cao ý thức học tập và rèn luyện cách ứng xử trên MXH. Biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, thông cảm đến người khác. Mọi lời nhận xét, bình luận phải khách quan và tế nhị; tỏ thái độ, cảm xúc phù hợp. Không nói xấu, kéo bè cánh nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác. Không nên đưa ra những nhận xét, bình luận vội vàng, không đúng hoặc ác ý.
- Suy nghĩ thật kỹ lưỡng, lựa chọn, kiểm chứng thông tin chính xác trước khi đăng lên MXH và phải có trách nhiệm với thông tin mình cung cấp, chia sẻ.
- Khuyến khích đưa những thông tin tích cực, những giá trị tốt đẹp của con người lên MXH. Không đăng thông tin, hình ảnh không đúng quy định pháp luật, hoặc không phù hợp với văn hóa, đạo đức của người Việt Nam.
- Khi xem thông tin trên MXH, phải biết rõ nguồn gốc của thông tin, phân biệt tin thật, tin giả; thường xuyên tiếp cận những thông tin chính thống, bổ ích; không để mình bị sa vào những thông tin thất thiệt, tiêu cực.
Với bài tuyên truyền trên hi vọng các bạn học sinh hiểu được ý nghĩa của mạng xã hội và nắm được cách ứng xử phù hợp nhất khi dùng mạng xã hội.
XÁC NHẬN CỦA BAN GIÁM HIỆU Người viết bài
UBND QUẬN HÀ ĐÔNG
TRƯỜNG THCS DƯƠNG NỘI |
CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH MĂNG NON
Tuần 14- 16
|
BÀI TUYÊN TRUYỀN
PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
Người viết bài: Nguyễn Trung Dư
Người thực hiện: Liên Đội nhà trường
Thời gian phát bản tin: Giờ ra chơi tiết 2 ngày thứ 3,5, 7
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
Hiện nay dịch sốt xuất huyết đang bùng phát ở nhiều nơi trên cả nước và diễn biến hết sức phức tạp. Dịch sốt xuất huyết thường xảy ra theo mùa, dịch bắt đầu từ tháng 3 và kéo dài đến cuối năm, cao điểm là vào tháng 7,8,9,10.
1. Bệnh sốt xuất huyết là gì?
- Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra.
- Bệnh diễn biến nhanh có khả năng thành dịch lớn, là bệnh nặng có tỷ lệ tử vong cao.
- Đường lây: Bệnh sốt xuất huyết lây do muỗi vằn (Aedes Aegypti) đốt hút máu người bệnh truyền sang người lành.
- Muỗi vằn có màu đen, ở lưng và chân có nhiều khoang trắng, thường sống trong nhà, đậu vào chỗ tối, góc treo quần áo.
- Muỗi vằn đốt hút máu vào ban ngày, mạnh nhất là vào sáng sớm và chập tối.
- Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có vắc xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu.
2. Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết:
- Thể nhẹ: Sốt cao đột ngột 39-40˚C, liên tục kéo dài từ 2-7 ngày, đau đầu vùng trán nhiều, nhức hai hốc mắt, nhìn mờ, đau mỏi toàn thân, da khô nóng đỏ.
- Thể nặng:
+ Có các dấu hiệu xuất huyết:
. Các ban, chấm xuất huyết màu đỏ rải rác ở cẳng tay, cẳng chân, hai bên sườn, căng da không mất nốt xuất huyết.
. Có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng, lợi.
. Phụ nữ có thể có kinh bất thường, kinh nguyệt kéo dài.
+ Theo dõi người bệnh chặt chẽ phát hiện sớm các dấu hiệu nghi sốc: li bì, mệt mỏi, bồn chồn khó chịu, vã mồ hôi, da và chân tay lạnh, môi tím tái, đau bụng, khó thở, tiểu ít.
+ Có thể xuất huyết nội tạng: gan, thận, tiêu hóa (nôn ra máu, đi ngoài phân đen như bã cafe, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt).
- Mọi người đều có thể bị sốt xuất huyết nếu bị muỗi vằn hút máu người bị bệnh truyền cho. Nhưng thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi.
* Làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết?
- Hãy đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để khám bệnh, các trường hợp nhẹ có thể chăm sóc tại nhà.
- Nằm nghỉ tại nhà, hạn chế đi lại.
- Ăn nhẹ: Cháo, súp, sữa.
- Uống nhiều nước, uống dung dịch ozerol, nước trái cây.
- Hạ nhiệt bằng thuốc Paracetamon, làm mát trán, hố lách, vùng bẹn.
- Nằm màn để tránh muỗi đốt làm lây truyền bệnh.
- Tuyệt đối không cho người bệnh uống Aspirin, không cạo gió, chích lể.
3. Các biện pháp phòng dịch:
- Tổng vệ sinh sạch sẽ lớp học, trường học hằng ngày, hằng tuần.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ, nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng, thoáng mát, không treo, vắt nhiều quần áo làm chỗ để muỗi trú ngụ,...
- Mặc quần áo dài tay, ngủ nằm màn cả ban ngày lẫn ban đêm.
- Không để trẻ chơi ở góc tối để tránh muỗi đốt.
- Thu gom, loại bỏ phế liệu, phế thải, ống bơ, lon nước, chai lọ chứa nước đọng quanh nhà để triệt nơi sinh sản của muỗi.
- Đậy nắp bể, chum vại chứa nước, hàng tuần thau nước, cọ rửa bể, chum, vại. Thả cá vào bể nước để diệt bọ gậy.
- Phun thuốc diệt nuỗi nơi công cộng, các khu vực có nguy cơ cao, ổ dịch cũ và trong các nhà để diệt trừ muỗi, có thể dùng hương diệt muỗi.
- Xoa thuốc chống muỗi đốt vào những vùng da để hở.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức nói chuyện, phát tờ rơi về cách nhận biết và các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết để mọi người hiểu và tự giác tham gia.
- Giám sát chặt chẽ các chỉ số muỗi, bọ gậy, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh để cách ly, theo dõi và điều trị kịp thời, xử lý ổ dịch đúng qui cách, không dể dịch lan rộng.
- Diệt bọ gậy, loăng quăng, muỗi vằn là biện pháp đơn giản, hiệu quả và dễ thực hiện để phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Qua bài tuyên truyền trên cô hy vọng các em hiểu được bệnh sốt xuất huyết là gì, biết được các biểu hiện, cách phòng tránh dịch bệnh; các em hãy tuyên truyền cho người thân và mọi người xung quanh cùng biết để phòng tránh dịch bệnh nguy hiểm này!
Cuối cùng xin kính chúc các thầy cô giáo một sức khỏe dồi dào, các em học sinh có một tuần học tốt!
XÁC NHẬN CỦA BAN GIÁM HIỆU Người viết bài